HÀN RĂNG

bởi vungoctuong

 I.Hàn răng là gì?

Hàn răng (hay trám răng) là một kỹ thuật chuyên sử dụng những loại vật liệu đắp vào những khoảng trống ở bên trong răng. Đồng thời, chúng có thể lấp đầy được những phần mô răng đã bị khuyết vì sâu răng gây nên.

Hàn răng sẽ giúp tái tạo lại những hình dáng và cả kích thước lúc ban đầu cho những chiếc răng. Kỹ thuật này cũng sẽ giúp khôi phục lại được những chức năng ban đầu của răng. Ngoài ra, kỹ thuật hàn răng cũng không phải thực hiện mài cùi hoặc chụp răng nên sẽ không có tác động xấu đến các cấu trúc của răng. 

 

II. Những vật liệu hàn răng phổ biến

Khi nào phải hàn răng là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt khi hàn răng, nha sĩ sẽ sử dụng những loại vật liệu chuyên dụng để hỗ trợ cho kỹ thuật này. Theo ghi nhận, hiện có rất nhiều loại vật liệu khác nhau được sử dụng với kỹ thuật này. Tùy thuộc vào điều kiện tài chính mà người bệnh sẽ có cho mình những lựa chọn phù hợp nhất, cụ thể:

1. Xi măng silicat

Đầu tiên là xi măng silicat – một loại vật liệu trám răng được sử dụng từ rất lâu trước đây. Ưu điểm của loại vật liệu này là rất dễ sử dụng và có màu sắc gần giống với màu của răng tự nhiên. Loại vật liệu này khá ưa nước, có thể thao tác được nhanh chóng nên có thể hàn ở những vị trí răng khó cách ly nước bọt. Đồng thời, đối với các bạn nhỏ không hợp tác thì xi măng silicat cũng là sự lựa chọn tốt nhất để thao tác hàn răng. 

Xi măng silicat có thể giải phóng các Fluor – một chất giúp răng cứng và ngăn chặn tình trạng sâu răng khá hiệu quả. Tuy nhiên, nhược điểm của xi măng silicat chính là rất dễ vỡ, nhanh mòn và có ít tông màu để lựa chọn. Bên cạnh đó, các nha sĩ cũng sẽ khó khăn hơn trong việc tạo hình răng theo ý muốn.

2. Amalgam

Đây là một loại vật liệu được sử dụng trong hàn trám răng với cấu tạo từ những phần tử kim loại ví dụ như thủy ngân, kẽm, bạc hay đồng,… Amalgam rất dễ sử dụng và có khả năng chịu lực khá tốt, rất phù hợp để trám những lỗ sâu răng lớn. Ngoài ra, chúng còn được dùng để trám những chiếc răng có chức năng chính là ăn nhai khi bị tổn thương.

Tuy nhiên, Amalgam có tính thẩm mỹ khá thấp nên chỉ thường được sử dụng để trám những chiếc răng ở vị trí khuất với tầm nhìn. Bên cạnh đó, Amalgam còn có khả năng dẫn nhiệt và dẫn điện nên sẽ làm giảm khả năng cảm biến mùi thức ăn

3.Sứ

So với những loại vật liệu kể trên thì sức có tính cứng và trong suốt nên rất thích hợp để hàn ở khu vực răng cửa. Thế nhưng, đặc điểm chung của sứ là khá giòn nên rất dễ vỡ. Chính vì vậy, trong quá trình sử dụng sau khi hàn bạn cần phải thật cẩn trọng.

4. Vật liệu Composite

Đây là một vật liệu được sử dụng khá phổ biến trong việc hàn răng hiện nay, nhất là trong lĩnh vực hàn răng thẩm mỹ. Composite có màu sắc gần giống với màu của răng thật và cũng có khả năng chịu lực và chịu mòn khá cao. Tuy nhiên, sau khi hàn răng với Composite có thể khiến răng bị ê buốt do tình trạng bị kích thích với chất hàn và các chất dán dính. Sau khoảng vài năm sử dụng, Composite cũng có thể đổi màu, bị vỡ và cần phải thay mới. 

5. Kim loại

Tiếp đến, kim loại là loại vật liệu gồm có hợp chất titan hoặc vàng, có đặc tính tương thích tốt với răng và cả môi trường trong khoang miệng. Kim loại có khả năng chống chịu ăn mòn và chịu lực rất tốt nên chỉ sử dụng trám cho vùng răng hàm. Hơn nữa, về lâu dài, loại vật liệu này cũng có thể ngăn chặn được tình trạng sâu răng. 

Nhược điểm của vật liệu kim loại chính là sự khác biệt về màu sắc. Điều này sẽ khiến cho răng không có tính thẩm mỹ và kỹ thuật làm răng cũng phức tạp hơn rất nhiều. 

III.Khi nào phải hàn răng?

Khi nào phải hàn răng là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Đây là một vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng, chính vì vậy, bạn cần phải nắm rõ được đâu là lúc mình cần thực hiện kỹ thuật này. Những trường hợp cần được hàn – trám răng gồm có:

1. Bị sâu răng

Những lỗ sâu ở trên răng thường là do vi khuẩn đục khoét gây nên. Chúng có thể phá hủy các tủy răng và khiến cho những chiếc răng khác bị lây lan. Nhằm hạn chế tình trạng này, nha sĩ sẽ làm sạch các hốc răng đã bị sâu và kết hợp kỹ thuật hàn răng để khắc phục vấn đề. 

2. Răng bị mòn

Thói quen sử dụng bàn chải đánh răng với phần lông cứng quá lâu dài sẽ khiến cho những men răng ở vùng cổ răng bị hao mòn từ từ và làm lộ ra một lớp ngà răng. Lúc này, hàm răng của bạn sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các loại thực phẩm nóng hoặc lạnh. Nhiều trường hợp răng còn bị ê buốt khá khó chịu. Lúc này, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp trám răng tạm thời hoặc bọc răng theo tình trạng của răng lúc thăm khám. 

3. Răng bị chấn thương

Răng bị chấn thương với các trường hợp như bị sứt mẻ, bị vỡ hoặc bị gãy và không còn được cứng – chắc như trước cũng cần được hàn trám. Khi răng bị chấn thương, các chức năng ăn nhai hàng ngày cũng có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, kỹ thuật hàn trám răng có thể phục hồi lại hình dáng răng ban đầu, đảm bảo các chức năng ăn nhai không bị ảnh hưởng. 

4. Răng thiếu tính thẩm mỹ

Một vài trường hợp răng bị khiếm khuyết bẩm sinh như khoảng trống quá rộng, kẽ răng bị thưa hoặc các tác nhân ở bên ngoài khiến cho răng bị đổi màu. Lúc này, hàn răng Composite chính là sự lựa chọn thích hợp để có thể khắc phục được tính thẩm mỹ của những chiếc răng này. 

Hàn răng mặc dù là một kỹ thuật tương đối đơn giản nhưng chúng cũng đòi hỏi người thực hiện phải thực sự khéo léo. Việc hàn răng được thực hiện một cách nhanh chóng và không tốn quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, chúng lại mang đến công dụng tốt để bảo vệ một hàm răng chắc khỏe.